Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán
Xin ông cho biết sự cần thiết của việc ban hành Đề án?
Ông Vũ Đức Chính: Từ năm 2000 đến 2005, Việt Nam đã ban hành 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) bằng cách vận dụng có chọn lọc các quy định của chuẩn mực quốc tế phù hợp với điều kiện nền kinh tế và trình độ quản lý trong nước trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, do đã được ban hành cách đây hơn 15 năm mà chưa được sửa đổi, bổ sung nên VAS bộc lộ những hạn chế nhất định. Hơn nữa, cho đến nay chúng ta mới ban hành được 26 VAS nên còn thiếu nhiều chuẩn mực so với thông lệ quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình cải cách hành chính và thể chế một cách mạnh mẽ, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên sôi động, nhu cầu các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết hoặc thu hút vốn trên thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng. Đặc biệt thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế trong giai đoạn mới, Chính phủ có chủ trương phải đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như công cuộc cải cách thể chế tại Việt Nam.
Từ thực tế nêu trên, việc ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam là cần thiết để áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đối với một số doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện, đồng thời nghiên cứu, ban hành mới hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam áp dụng cho các doanh nghiệp khác.
Việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vào Việt Nam có tác động như thế nào đối với nền kinh tế cũng như tới các doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Vũ Đức Chính: Việc đánh giá tác động cũng được bàn luận rất nghiêm túc, sôi nổi trong quá trình xây dựng Đề án. Yêu cầu đặt ra là cần phải đảm bảo tính ổn định trong các hoạt động tài chính, ngân sách, tiền tệ trên bình diện chung, đảm bảo tính khả thi cho các doanh nghiệp và lợi ích lâu dài cho nền kinh tế.
Đánh giá về tác động, thông qua hoạt động khảo sát, hội thảo và các diễn đàn khác nhau, có rất nhiều ý kiến đồng thuận về lợi ích của việc áp dụng IFRS của một số doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Có thể quan tâm đến các ý kiến sau:
Việc áp dụng IFRS và sửa đổi, cập nhật Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) theo định hướng IFRS sẽ tác động rất tích cực đến việc cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt thu hút mạnh mẽ các nguồn lực quốc tế. Qua đó thông tin tài chính của doanh nghiệp áp dụng sẽ được quốc tế thừa nhận hơn, gia tăng lòng tin của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để niêm yết trên thị trường quốc tế hoặc nhận được các khoản vay ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á,...
Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là công ty con của các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ không còn phải mất thêm chi phí để chuyển đổi báo cáo tài chính sang IFRS cho mục đích hợp nhất báo cáo tài chính với công ty mẹ ở nước ngoài. Việc các đơn vị có lợi ích công chúng lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS cũng giúp khơi thông dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) do thỏa mãn được đòi hỏi của các nhà đầu tư quốc tế thông qua các quỹ đầu tư, quỹ tín thác,...
Đối với thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thì việc áp dụng IFRS góp phần nâng cao tính minh bạch, khả năng so sánh của báo cáo tài chính, cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn cho người sử dụng báo cáo, đặc biệt tăng cường niềm tin cho các nhà đầu tư, bên cho vay, từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường vốn phát triển mạnh mẽ hơn. Có thể nói, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế là một trong những yếu tố để có thể đánh giá nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Báo cáo tài chính được lập và trình bày theo IFRS sẽ giảm thiểu tác động của hình thức giao dịch đến phương pháp kế toán, từ đó làm tăng khả năng so sánh giữa báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại Việt Nam với các doanh nghiệp khác trong khu vực và thế giới. Thông tin tài chính của các doanh nghiệp được trình bày cho mục đích chung một cách trung thực và hợp lý, đảm bảo khách quan. Việc trình bày và thuyết minh chi tiết về những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải như rủi ro kinh doanh, rủi ro tín dụng, rủi ro chính sách,... sẽ cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho các nhà đầu tư, chủ nợ khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, việc áp dụng IFRS cũng sẽ gặp phải nhiều thách thức, khó khăn. Chính vì vậy, bản thân doanh nghiệp phải xác định rõ mục tiêu, lợi ích của mình, trên cơ cở phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để quyết định và thực hiện triển khai một cách hiệu quả nhất.
Lộ trình áp dụng thực hiện Đề án được Bộ Tài chính lên kế hoạch như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Đức Chính: Lộ trình áp dụng thực hiện là một trong nội dung trọng tâm của Đề án, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam sẽ bao gồm phương án công bố, áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và phương án xây dựng, ban hành và áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS).
Đối với lộ trình, phương án công bố, áp dụng IFRS gồm các giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị (2020-2021); Giai đoạn 1, áp dụng tự nguyện (2022 đến 2025); Giai đoạn 2, áp dụng bắt buộc (sau năm 2025). Trong đó:
Giai đoạn chuẩn bị (2020-2021) gồm các nội dung: Xây dựng và ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam; Thành lập Ban dịch thuật và soát xét, hoàn thành bản dịch IFRS sang tiếng Việt; Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp công bố bản dịch IFRS sang tiếng Việt; Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cách thức áp dụng IFRS; Bổ sung, sửa đổi và ban hành mới một số cơ chế tài chính liên quan đến việc áp dụng IFRS; Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các doanh nghiệp.
Giai đoạn 1, áp dụng tự nguyện (2022 đến 2024): Tại giai đoạn này, các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực được tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất. Đối tượng là các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; công ty mẹ là công ty niêm yết; công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; các công ty mẹ khác.
Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực được tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính riêng.
Đối với giai đoạn 2, áp dụng bắt buộc (sau năm 2025):
Đối với báo cáo tài chính hợp nhất: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, Bộ Tài chính quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm doanh nghiệp thuộc các đối tượng cụ thể sau: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước; Công ty mẹ là công ty niêm yết; Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; Công ty mẹ quy mô lớn khác.
Ngoài ra, các công ty mẹ khác không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng nêu trên có nhu cầu và đủ nguồn lực cũng được tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất.
Đối với báo cáo tài chính riêng: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập báo cáo tài chính riêng cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi. Khi áp dụng IFRS doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước.
Tôi cũng lưu ý rằng, Đề án cũng yêu cầu và cách thức áp dụng IFRS như doanh nghiệp phải trình bày, thuyết minh chi tiết trong báo cáo tài chính đối với các nội dung khác biệt giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế (nếu có). Doanh nghiệp thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Đối với lộ trình phương án xây dựng, ban hành và áp dụng VFRS gồm: Giai đoạn chuẩn bị (2020-2024); Giai đoạn triển khai áp dụng VFRS (từ năm 2025).
Đối với giai đoạn triển khai áp dụng VFRS (từ năm 2025), giai đoạn này sẽ tổ chức triển khai áp dụng VFRS cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam, trừ các đối tượng áp dụng IFRS hoặc chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính thường xuyên rà soát lại VFRS, cập nhật những thay đổi của IFRS để đảm bảo VFRS phù hợp ở mức độ cao nhất với thông lệ quốc tế.
Có thể thấy đây là một Đề án rất phức tạp về mặt kỹ thuật, Bộ Tài chính có đề nghị gì trong công tác phối hợp thưa ông?
Ông Vũ Đức Chính: Đây là một Đề án rất phức tạp về mặt kỹ thuật, có phạm vi rộng vì vậy Bộ Tài chính đề nghị cần có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, của các Bộ ngành, địa phương về quan điểm định hướng và mục tiêu thực hiện Đề án. Cùng với đó là tạo điều kiện cho Bộ Tài chính các nguồn lực cần thiết để triển khai, hoàn thành nhiệm vụ. Song song với đó là sự phối hợp giữa các Bộ, ngành các địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp, các chuyên gia về kế toán trong việc thực hiện các nội dung về xây dựng và triển khai Đề án theo lộ trình được phê duyệt. Đặc biệt có sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đảm bảo các chính sách, quy định phù hợp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!