WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 lên 6,1%

  • 10/09/2024
  • 65 Lượt xem

(VNF) - Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, tăng 0,6% so với lần dự báo trước, nhờ sự phục hồi trong xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, tiêu dùng và đầu tư.

Tăng trưởng nhờ xuất khẩu phục hồi

Ngày 26/8, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo Điểm lại tình hình và dự báo kinh tế Việt Nam, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ ở mức 6,1% và tăng lên mức 6,5% trong hai năm 2025 và 2026.

Đây là mức tăng đáng kể khi trong báo cáo vào cuối tháng 4 vừa rồi, Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm 2024 và tăng dần lên 6% (2025) đến 6,5% vào năm 2026, tùy vào mức độ phục hồi của nhu cầu bên ngoài và đầu tư của khu vực tư nhân.

Mức tăng trưởng 6,1% cũng cao hơn so với mức 5% trong năm 2023, theo báo cáo Điểm lại. Báo cáo cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào mức 6,1%.

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam, cho rằng dự báo tăng trưởng 6,1% là rất tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng trước đại dịch.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ xuất khẩu phục hồi cũng như tiêu dùng và đầu tư đạt mức cao hơn trong cấu phần GDP, sản xuất công nghiệp và dịch vụ phục vụ xuất khẩu cũng ổn định trở lại.

Mặc dù vậy, cầu nội địa vẫn thấp hơn mức trước đại dịch COVID-19 và nợ xấu có dấu hiệu tăng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khiêm tốn. Trong quý I/2024, cán cân tài khoản vãng lai và tài khoản chính đạt thặng dư, nhưng vị thế đối ngoại của Việt Nam vẫn suy giảm do dòng vốn chảy ra ngoài qua kênh không chính thức tăng.

Bà Madani cho rằng sau khi phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới, chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

"Trong nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính", ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB, nhận định.

Đề cập tới rủi ro và triển vọng, nNgân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam cần cẩn trọng với việc tăng trưởng toàn cầu có thể chậm hơn dự kiến (đặc biệt là tại Mỹ, khu vực Eurozone và Trung Quốc), thời gian phục hồi của thị trường bất động sản kéo dài hơn dự kiến và chất lượng tài sản của toàn ngành tài chính tiếp tục suy giảm.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, cũng như khuyến khích các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn, cải cách thị trường vốn, bên cạnh đó là củng cố môi trường pháp lý và đẩy mạnh đa dạng hoá thương mại để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn

Trong buổi họp báo ngày 26/8, Ngân hàng Thế giới cũng công bố báo cáo "vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn", với khuyến nghị cần có khung chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển thị trường vốn, tạo ra nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế, giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Theo ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của Ngân hàng Thế giới, thị trường vốn của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững vàng, tuy nhiên vẫn còn non trẻ. Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Á, số liệu năm 2023 cho thấy thị trường vốn của Việt Nam chỉ xếp trên Indonesia, nhưng xếp sau Philippines, Thái Lan hay Malaysia.

Xét trên 3 chức năng trung gian tài chính của các thị trường vốn là huy động, tiết kiệm và định giá, trước tiên, mặc dù thị trường Việt Nam có mức vốn hoá lớn, nhưng hoạt động huy động vốn lại hạn chế, nhất là trên thị trường cổ phiếu.

Ví dụ, giai đoạn 2019-2023, lượng vốn huy động được qua cổ phiếu chỉ đạt 37.000 tỷ VND (1,5 tỷ USD) mỗi năm, cho thấy hầu hết niêm yết để "tạo điều kiện giao dịch" chứ chưa phải để huy động vốn (IPO).

Một vấn đề khác là việc huy động và sử dụng tiết kiệm còn hạn chế so với quy mô nền kinh tế. Trong đó, quỹ hưu trí của nhà nước, tức BHXH, đến nay vẫn là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất (11% GDP), nhưng mới chỉ đầu tư vào trái phiếu chính phủ (85% trái phiếu chính phủ, 15% gửi ngân hàng).

Các công ty bảo hiểm có quy mô đáng kể (khoảng 7% GDP) và có tầm quan trọng ngày càng tăng nhưng lại nắm giữ lượng tiền mặt lớn. Trong khi đó, các quỹ hưu trí tư nhân và quỹ đầu tư có quy mô nhỏ tới rất nhỏ so với nền kinh tế, có tiềm lực tăng trưởng.

Về định giá, các thị trường vốn chưa tạo được giá tham chiếu tốt do mức tham chiếu của lãi suất ngắn hạn chưa rõ ràng, sự thiếu hiệu quả của thị trường trái phiếu chính phủ và sự biến động lớn của giá cổ phiếu.

Theo WB, để khai mở tiềm năng thị trường vốn, Việt Nam cần có những cải cách chính liên quan tới việc đa dạng hoá đầu tư của BHXH, hướng tới nâng cấp lên thị trường mới nổi, đi kèm đó là hiện đại hoá thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.

"Hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi. Việt Nam cần từng bước đa dạng hóa kênh đầu tư quỹ của bảo hiểm xã hội để cải thiện lợi nhuận dài hạn; tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào khu vực doanh nghiệp", ông Ketut Ariadi Kusuma khuyến nghị.

Trích nguồn: theo vietnamfinance.vn

Tin cùng chuyên mục