Định giá công ty hay thẩm định giá trị doanh nghiệp là việc xác định giá trị của một phần hay tổng thể doanh nghiệp được quy đổi ra đơn vị tiền theo giá trị thị trường tại thời điểm định giá; theo các tiêu chuẩn, quy định của luật giá và Hội thẩm định giá Việt Nam.
Thông thường, giá trị doanh nghiệp sẽ bao gồm nhiều tài sản tạo lên tổng giá trị chung của doanh nghiệp như: tài sản cố định (nhà cửa, đất đai bất động sản, máy móc, phương tiện vận tải…), tài sản tài chính (tiền mặt, danh mục đầu tư, cho vay, lợi nhuận, đối tác – khách hàng…), tài sản thương hiệu – trí tuệ, giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp…
Các loại hình doanh nghiệp, công ty
Hiện nay theo luật Doanh nghiệp 2020 có quy định các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm 4 loại hình như sau:
- Công ty TNHH (Cty TNHH MTV; Cty TNHH hai thành viên trở lên);
- Công ty cổ phần;
- Công ty hợp danh;
- Doanh nghiệp tư nhân
Tại sao cần thẩm định giá công ty
Doanh nghiệp là một loại tài sản, vì vậy việc xác định giá trị doanh nghiệp là điều tất yếu để phục vụ các mục đích cụ thể, như: vay vốn ngân hàng, kêu gọi đầu tư, báo cáo cổ đông, chứng minh tài chính, đấu thầu, M&A, phát hàng trái phiếu/cổ phiếu… đây không chỉ là những yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý mà còn đảm bảo sự chính xác, khách quan, công bằng cho cả phía chủ doanh nghiệp và bên còn lại.
Bên cạnh đó, đối với các bên như ngân hàng, nhà đầu tư, cơ quan thế – bảo hiểm…thì để tiến hành các giao dịch với doanh nghiệp thì cần thiết phải có một đơn vị thẩm định giá độc lập, chuyên nghiệp đứng ra xác định giá trị doanh nghiệp đó, tránh những tổn thất kinh tế cho nhà đầu tư, ngân hàng.
Tóm lại, thẩm định giá doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu, cần thiết trong nền kinh tế thị trường, để giúp doanh nghiệp phát triển, nhà đầu tư đảm bảo quyền lợi, ngân hàng đảm bảo an toàn cho khoản vay, cơ quan nhà nước có cơ sở để đưa ra những chính sách phù hợp với doanh nghiệp.