Bán lẻ và Tiêu dùng TRANG CHỦ » Thông tin ngành » Bán lẻ và Tiêu dùng

Tạo thuận lợi cho các DN bán lẻ nước ngoài

22h:29 (GMT+7) - Thứ ba, 15/07/2014

Cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được miễn kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi mở thêm cửa hàng bán lẻ với diện tích bé hơn 500m2 là một bước tiến mới mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày 28/3 tại TPHCM đã diễn ra chương trình Tọa đàm Tham vấn và đối thoại với các doanh nghiệp về các quy tắc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với việc thành lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

 

Đại diện Eurocham Việt Nam, Phòng Thương mại Hàn Quốc và các doanh nghiệp tham dự tọa đàm cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang mong muốn mở rộng đầu tư hệ thống phân phối bán lẻ tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, việc cấp phép cho những nhà phân phối, nhượng quyền trong lĩnh vực bán lẻ đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam còn gặp những khó khăn. Việc thực hiện đánh giá ENT tại các tỉnh, thành phố là chưa nhất quán và đồng bộ, chưa quy định rõ thời gian bao lâu kể từ khi nhận hồ sơ đến khi có kết luận của hội đồng ENT có cho phép doanh nghiệp được mở rộng đầu tư hay không.

 

Chính vì vậy, theo ông Hong Sun, Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, một quy trình cấp phép rõ ràng và văn bản hướng dẫn mới về việc thành lập một Ủy ban đánh giá nhu cầu kinh tế sẽ giúp cải thiện tính minh bạch trong quá trình cấp phép nói chung. Đồng thời theo ông Hong Sun, đối với các khu vực đã có quy hoạch hạ tầng cho phát triển dịch vụ bán lẻ, thì Việt Nam nên miễn đánh giá ENT.

 

Để việc đánh giá ENT tại các địa phương được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi cho nhà đầu tư, TS Phạm Hữu Thìn, Trưởng phòng Thương mại vật tư, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng hội đồng ENT tại các địa phương cần linh hoạt khi đánh giá ENT, chọn đại diện các sở, ngành có liên quan trực tiếp tới vấn đề cần đánh giá tham gia hội đồng.

 

Ông Thìn cho biết, hiện nay, một số địa phương khi đánh giá ENT lại không có thành phần đại diện của Sở Công Thương, trong khi để đánh giá nhu cầu kinh tế (ENT) đối với việc thành lập cơ sở bán lẻ tại mỗi địa phương thì Sở Công Thương là đơn vị nắm rõ nhất hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn đó.

Đại diện cho các nhà phân phối, bán lẻ trong nước, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường phân phối, bán lẻ ở 4 loại hình phân phối: Đại lý; bán buôn; bán lẻ (bao gồm cả hoạt động bán hàng đa cấp); nhượng quyền thương mại.

 

Trên thực tế, Việt Nam đã mở cửa thị trường sớm hơn cam kết WTO. Ngay khi Việt Nam gia nhập WTO, quy định, tỷ lệ sở hữu vốn góp của phía nước ngoài trong các doanh nghiệp phân phối bán lẻ không vượt quá 49%, đến năm 2008 tỷ lệ này là dưới 100% và đến năm 2009 trở đi, doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực phân phối bán lẻ có thể thành lập với 100% vốn nước ngoài.

 

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài mở rộng hoạt động tại Việt Nam, trong năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 08/2013/TT-BCT cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể được miễn đánh giá ENT khi mở thêm cửa hàng bán lẻ với diện tích bé hơn 500m2. Đây là một bước tiến mới mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.