Bán lẻ và Tiêu dùng TRANG CHỦ » Thông tin ngành » Bán lẻ và Tiêu dùng

Thị trường bán lẻ Việt nam hấp dẫn

22h:27 (GMT+7) - Thứ ba, 15/07/2014

Các nhà đầu tư nước ngoài bị thu hút vào thị trường Việt Nam bởi vì họ thấy tiềm năng về một quy mô thị trường rất lớn và sự gia tăng nhanh chóng liên tục về mức tiêu thụ.

Ngày 28/3 tại TPHCM đã diễn ra chương trình Tọa đàm Tham vấn và đối thoại với các doanh nghiệp về các quy tắc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với việc thành lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

 

Ông Csaba Bundik, Giám đốc điều hành Eurocham Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư châu Âu coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Đối với lĩnh vực phân phối, bán lẻ tại Việt Nam, các nhà đầu tư châu Âu đánh giá thị trường này rất tiềm năng và mong muốn mở rộng đầu tư.

 

Ông Hong Sun, Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất hoan nghênh Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 08/2013/TT-BCT cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể được miễn đánh giá ENT khi mở thêm cửa hàng bán lẻ với diện tích nhỏ dưới 500m2.

 

Ông Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài bị thu hút vào thị trường Việt Nam bởi họ thấy được tiềm năng về một quy mô thị trường rất lớn và sự gia tăng nhanh chóng liên tục về mức tiêu thụ.

 

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam và mong muốn tham gia nhiều hơn nữa trong hoạt động bán lẻ  và phân phối tại Việt Nam. Mới đây, Công ty Lotte Mart của Hàn Quốc lên một kế hoạch để thâm nhập vào thị trường Việt Nam một cách tích cực hơn nữa. Lotte dự kiến vào năm 2020 sẽ mở 60 cửa hàng trên khắp Việt Nam.

 

Theo đánh giá của ông Hong Sun, việc mở cửa thị trường rộng hơn sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối của Việt Nam. Đồng thời, các công ty trong nước không cần phải lo lắng khi họ được tiếp cận với các kênh phân phối hiện đại và có một sự hiểu biết tốt hơn về tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ  thống bán lẻ sẽ là kênh phân phối lớn cho hàng nông sản của Việt Nam.

 

Đánh giá tác động của việc các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: "Sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài, như một luồng gió mới, thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ bán lẻ; nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng; các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vươn lên, chấp nhận cạnh tranh. Đồng thời, cuộc đua tranh giữa bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng".

 

TS Đinh Thị Mỹ Loan cho hay, thời gian qua, tận dụng cơ hội mở cửa thị trường và đối mặt với sức ép cạnh tranh, ngành phân phối bán lẻ Việt Nam đã phát triển mạnh và khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế đất nước. Ngành phân phối bán lẻ đóng góp gần 14% GDP, đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của Việt Nam, thu hút hơn 6 triệu lao động.

Báo Điện tử Chính phủ