Tài chính – Ngân hàng TRANG CHỦ » Thông tin ngành » Tài chính – Ngân hàng

Bộ Tài chính và ACCA phối hợp tổ chức Hội thảo “CMCN 4.0 – Thời cơ và thách thức với kế toán, kiểm toán”

16h:26 (GMT+7) - Thứ hai, 16/07/2018

Ngày 6/7 tại Hà Nội, Bộ Tài chính (Cục Quản lý và giám sát Kế toán và Kiểm toán) phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) với sự hỗ trợ của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) đã tổ chức Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 - thời cơ và thách thức, với kế toán, kiểm toán”.

Tham dự Hội thảo có hơn 270 đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội nghề nghiệp trong nước, các doanh nghiệp kiểm toán, đơn vị đối tác, các trường Đại học và hội viên của ACCA.

Theo ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát Kế toán và Kiểm toán, CMCN 4.0 đang ở giai đoạn sơ khai nhưng chắc chắn sẽ thay đổi cách thức mà các kế toán viên, kiểm toán viên, chuyên gia tài chính hành nghề và các doanh nghiệp, tổ chức tiến hành hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Doanh nghiệp dịch vụ kế toán và kiểm toán (KTKT), các kế toán viên, kiểm toán viên sẽ thua thiệt nếu không thay đổi tư duy, không đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ, không vận dụng công nghệ, không hội nhập toàn cầu.

Chính vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm chỉ ra 3 chặng đường chính ngành KTKT hướng tới CMCN 4.0, trong đó nêu rõ: Thực trạng ngành KTKT của Việt Nam đang ở chặng đường đầu tiên; thực tiễn của các nước phát triển trong khu vực và toàn cầu đang ở chặng đường thứ hai; tương lai của ngành KTKT là chặng đường cuối cùng.

Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát Kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo

Ông Chính cho biết, nội dung thảo luận tập trung vào đánh giá ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến lĩnh vực KTKT toàn cầu, khu vực và ở Việt Nam; đồng thời nghe đại diện các doanh nghiệp như ACCA, Công ty cổ phần MISA… giới thiệu thực tiễn và giải pháp công nghệ tại doanh nghiệp (về thực hiện chức năng kế toán tài chính quản trị) và doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam, khu vực, quốc tế.

Đề cập tới những tác động của CMCN 4.0 đối với ngành nghề KTKT, ông Phạm Sỹ Danh - Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho rằng, cách mạng 4.0 đang và sẽ tác động lớn đến ngành nghề KTKT; làm biến đổi sâu sắc, toàn diện ngành nghề này trong tương lai không xa, trong đó, vừa đặt ra thách thức nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội. Để có được nhận định trên đây, VACPA đã thực hiện một cuộc khảo sát hơn 300 Hội viên về vấn đề nàyvới 6 nội dung xoay quanh chủ đề CMCN 4.0 gồm (1) Mức độ quan tâm, (2) Mức độ tác động, (3) Cơ hội, (4) Thách thức, (5) Mức độ triển khai, (6) Giải pháp cùng với những kiến nghị, đề xuất từ phía kiểm toán viên và Doanh nghiệp kiểm toán đối với cơ quan quản lý nhà nước, Hội nghề nghiệp và các trường Đại học. Cũng qua kết quả khảo sát của VACPA cho thấy, các doanh nghiệp kế toán và kiểm toán đều cho rằng cách mạng CMCN 4.0 sẽ tác động lớn đến quy mô hoạt động và phát triển nghề nghiệp, không chỉ là thiết lập môi trường và tạo thêm công cụ mới giúp các công ty kế toán, kiểm toán nâng cao chất lượnghoạt động dịch vụ mà còn mở rộng thị trường nhờ kết nối internet. CMCN 4.0 còn tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu, và nâng cao độ tin cậy của việc lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán và kế toán theo nhu cầu. 

Ông Phạm Sỹ Danh - Chủ tịch VACPA trình bày những tác động của CMCN 4.0 đối với ngành nghề KTKT tại hội thảo


Theo kết quả khảo sát của VACPA, thách thức lớn nhất mà ngành kế toán, kiểm toán gặp phải là cần cấu trúc lại chiến lược phát triển và có các giải pháp phát triển nguồn nhân lực với yêu cầu về lao động không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà còn phải có trình độ và kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp và đáp ứng với yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng này; đồng thời đi theo đó là nhu cầu đầu tư tài chính lớn từ doanh nghiệp; việc kiểm soát các dữ liệu kế toán khó hơn trước, trong khi sự cạnh tranh làm giảm thị  phần diễn ra ngày càng gay gắt. Dự báo trong 3-10 năm tới, các phần mềm và hệ thống thông minh sẽ thay thế công việc thủ công, tự động hóa các quy trình phức tạp và đa diện (như hoàn tất các thỏa thuận tài chính), hỗ trợ các xu hướng dịch vụ thuê ngoài và tái sử dụng nội bộ một số dịch vụ khác. Chủ tịch VACPA cho rằng, để có thể để có thể nắm vững và tận dụng được cơ hội thì KTV và các DNKiT cần chủ động tiếp cận để có sự nhận thức đầy đủ về CMCN 4.0 để sẵn sàng tìm kiếm những cơ hội mà nó mang lại cho nghề nghiệp cũng như đưa ra các biện pháp thích nghi phù hợp. Đồng thời Chủ tịch VACPA cũng nêu ra các “mong muốn lớn” của KTV và DNKiT gửi đến các cơ quan nhà nước và các cơ sở đào tạo, trường đại học, cụ thể là: (1) Có hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho việc phát triển ứng dụng kế toán, kiểm toán, (2) Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kế toán, kiểm toán theo hướng có các ứng dụng công nghệ thông tin, (3) Cần sớm đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, có ưu tiên đào tạo CNTT chuyên sâu cho chuyên ngành kế toán, kiểm toán giúp trang bị kiến thức tạo nền tảng để có năng lực nhận thức và thích nghi tốt với CMCN 4.0… 

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó tại các nước, ông Narayanan Vaidyanathan - Giám đốc về Thông tin doanh nghiệp, ACCA Toàn Cầu cho biết, việc sử dụng dữ liệu đám mây trong kế toán tương đối phát triển ở các nước do khả năng tiếp cận thông tin từ bất kỳ nơi nào. Nhân dịp này, ACCA cũng công bố về kết quả khảo sát của ACCA với tên gọi  “Cuộc đua hướng đến tính liên quan: Những cơ hội công nghệ cho chức năng tài chính”.  Báo cáo đề cập những cơ hội dành cho các giám đốc tài chính (CFOs) – những người được xem đóng góp cốt lõi cho việc áp dụng các công nghệ mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Tuy nhiên, nếu họ không nắm lấy cơ hội này, họ có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng hiện nay.

Sự chia sẻ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán và ý kiến đóng góp của các đại biểu đưa ra các khuyến nghị, đề xuất điều chỉnh khuôn khổ pháp lý, cách thức quản lý và bảo đảm an ninh, phát triển chức năng kế toán tài chính quản trị tại doanh nghiệp và thị trường dịch vụ KTKT đáp ứng thay đổi của công nghệ, những thông tin được nêu ra tại hội thảo sẽ được tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ, trên cơ sở tham mưu, đề xuất những thay đổi trong chính sách về quản lý nhà nước, qua đó tạo điều kiện cho thị trường KTKT Việt Nam phát triển, đáp ứng thay đổi của cách mạng 4.0.

 

 

 
Trích nguồn: VACPA
Số lượt đọc: 70