Ảnh minh họa
Tại cuộc giao ban thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra hôm nay (3/3), Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết: Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2013 và tính chung 2 tháng đầu năm tăng 5,4%, song một số ngành công nghiệp có sự sụt giảm so với cùng kỳ.
Đáng chú ý phải kể đến khai thác than giảm 9,3%; khai thác dầu thô giảm 2,3%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản giảm 0,5%; sản xuất phân bón giảm 3,1%; sản xuất kim loại giảm 2%; sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác giảm 4,3%; thiết bị các loại giảm 17,1%...
Bên cạnh đó, tồn kho hàng hóa vẫn tăng. Tính đến ngày 1/2, chỉ số tồn kho của toàn ngành chế biến-chế tạo tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó ngành chế biến sữa có chỉ số tồn kho cao, tăng 24,9%; đường tăng 50,7%; gia cầm, thuỷ sản tăng 34,8%; sợi tăng 26,3%...
Sản xuất một số ngành sụt giảm khiến cho sản lượng điện tháng 2 cũng giảm. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành cho biết: Tháng 2 sản lượng điện thương phẩm ước đạt 8,995 tỷ kWh, giảm 2,4% so với tháng 1.
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Biên, ngoài nguyên nhân giảm sút công nghiệp do tháng 2 có nhiều ngày nghỉ rơi vào dịp Tết Nguyên đán, còn có một nguyên nhân cũng khá quan trọng, đó là tình trạng nhiều dự án chậm được khởi công do việc cấp giấy phép thăm dò khai thác chậm đã làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của ngành.
Với mức sụt giảm sản lượng tiêu thụ tới 20%, trong khi sản xuất chỉ tăng 2%, theo lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, bên cạnh tâm lý người dân đang chờ đợi chu trình đợt sụt giảm giá mới, dẫn đến số lượng hàng tiêu thụ giảm, thì một nguyên nhân khác khiến lượng đạm ure của các doanh nghiệp tồn gần 70.000 tấn (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ) là do lượng đạm ure của Trung Quốc tràn vào Việt Nam với giá khá thấp.
Đại diện Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cho rằng, để giải bài toán này không còn cách nào khác là Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam giảm giá than cho ngành Hóa chất, bởi than là nguyên liệu đầu vào chiếm phần lớn giá thành của sản phẩm.
Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung bày tỏ, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn khi mà văn bản 1767 của Tổng cục Hải quan bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải tập kết hàng tại các cửa khẩu mới được mở tờ khai hải quan. Điều này không chỉ gây chậm trễ trong việc giao hàng, mà còn dẫn đến phát sinh một loạt chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, cần phải có đề xuất với Bộ Tài chính tháo gỡ ngay cho các doanh nghiệp, bởi đảm bảo tiến độ giao hàng là yếu tố vô cùng quan trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, để tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương yêu cầu các lực lượng của ngành tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá đối với các mặt hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường, đẩy nhanh tiêu thụ hàng hoá.
Bộ cũng sẽ xây dựng và thực hiện các giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.