Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8 năm 2015

In trang

Bắt đầu từ tháng 8/2015, nhiều quy định, chính sách liên quan đến ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Phương pháp xác định giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, trình tự kiểm tra hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; Quy định về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá; Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao; Hướng dẫn nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia , v.v...

 Phương pháp xác định giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, trình tự kiểm tra hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện

Kể từ ngày 07 tháng 8 năm 2015, Thông tư số 21/2015/TT-BCT (Thông tư 21) quy định phương pháp xác định giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, trình tự kiểm tra hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Thông tư 21 quy định chi tiết về phương pháp xác định giá cố định, tổng doanh thu cố định, giá biến đổi, giá khởi động,giá công suất dự phòng quay cũng như trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá dịch vụ phụ trợ. Thông tư 21 sửa đổi, bổ sung Điều 68 Thông tư số 30/2014/TT-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Đơn vị cung cấp dịch vụ dự phòng khởi động nhanh, dự phòng khởi động nguội, vận hành phải phát đảm bảo an ninh hệ thống điện thực hiện thỏa thuận, thống nhất giá dịch vụ phụ trợ cho năm 2015 theo phương pháp được quy định tại Thông tư này, trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định để trình Bộ Công Thương phê duyệt ngay sau khi Thông tư có hiệu lực thi hành.

Thông tư 21 cũng đã yêu cầu rõ Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm ban hành danh sách các nhà máy điện cung cấp dịch vụ dự phòng khởi động nhanh, dự phòng khởi động nguội, vận hành phải phát đảm bảo an ninh hệ thống điện trước ngày 15 tháng 12 hàng năm; Thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt giá dịch vụ phụ trợ của các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ; Kiểm tra Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ, v.v... Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải lập danh sách các nhà máy điện cung cấp dịch vụ dự phòng khởi động nhanh, dự phòng khởi động nguội, vận hành phải phát đảm bảo an ninh hệ thống điện trình Cục Điều tiết điện lực xem xét, ban hành hàng năm; Thỏa thuận, thống nhất giá dịch vụ phụ trợ với Đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ; Đàm phán, ký kết hoặc ủy quyền cho Công ty mua bán điện đàm phán, ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ với Đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ; trình Cục Điều tiết điện lực kiểm tra hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ, v.v... Đơn vị cung cấp dịch vụ dự phòng khởi động nhanh, dự phòng khởi động nguội, vận hành phải phát đảm bảo an ninh hệ thống điện đàm phán, ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ cũng như cung cấp đầy đủ các thông tin, chịu trách nhiệm, đảm bảo tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của số liệu, tài liệu cung cấp cho các đơn vị, cơ quan liên quan trong quá trình đàm phán và kiểm tra hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ. 

Quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá

Ngày 16/6/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá. Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/8/2015 và thay thế Thông tư 05/2010/TT-BKH.

Thông tư này quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, trừ gói thầu mua thuốc quy định tại điểm g khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13. Cụ thể, mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá số 01 (Mẫu số 01) áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ; mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá số 02 (Mẫu số 02) áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Đối với gói thầu mua sắm hàng hoá được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB) thuộc các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của ADB, WB thì áp dụng mẫu hồ sơ mời thầu NCB do ADB và WB ban hành bằng tiếng Việt.

Theo đó các mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa được ban hành kèm theo Thông tư này được áp dụng theo quy định như đối với các gói thầu mua sắm hàng hoá sử dụng vốn ODA, nếu được các nhà tài trợ chấp thuận thì áp dụng theo Mẫu số 01 hoặc Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc có thể sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo quy định về đấu thầu trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với nhà tài trợ đó. Đối với trường hợp đấu thầu quốc tế, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập hồ sơ mời thầu phải chỉnh sửa quy định về giá dự thầu, ngôn ngữ, đồng tiền, ưu đãi, thời gian trong đấu thầu và các nội dung liên quan khác cho phù hợp với quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Đối với gói thầu mua sắm hàng hoá quy mô nhỏ, căn cứ tính chất của gói thầu, trường hợp chủ đầu tư xét thấy cần áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ thì phải trình người có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và sử dụng Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này để lập hồ sơ mời thầu.

Quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao

Từ ngày 01/8/2015, Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điểm a và b Điều 75 của Luật Đầu tư, đồng thời đáp ứng các tiêu chí cụ thể như: Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm; Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%; Số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 5%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người.

Các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao thì thực hiện theo tiêu chí quy định tại Quyết định này.

Hướng dẫn nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia

Ngày 11/6/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2015/TT-BTC (Thông tư 89) hướng dẫn nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia. Thông tư số 89 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2015.

Thông tư này hướng dẫn hoạt động nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia (trừ xuất hàng dự trữ quốc gia cứu trợ, viện trợ).Thông tư quy định rõ việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia phải Đúng kế hoạch, đúng quyết định của cấp có thẩm quyền; Đúng chủng loại, số lượng, chất lượng, giá cả, địa điểm, thời gian và đúng đối tượng quy định; Đúng trình tự, thủ tục và có đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định; Hàng được giao, nhận trên phương tiện vận chuyển của bên giao hoặc bên nhận tại cửa kho dự trữ quốc gia hoặc tại địa điểm do cấp có thẩm quyền quy định; Hàng nhập trước, xuất trước; hàng nhập sau xuất trước phải có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Nhập hàng dự trữ quốc gia bao gồm các trường hợp: Nhập mua tăng hàng dự trữ quốc gia thuộc chỉ tiêu kế hoạch luân phiên đổi hàng; Nhập do điều chuyển nội bộ hàng dự trữ quốc gia; Nhập tăng hàng dự trữ quốc gia đối với số lượng hàng khi kiểm kê thực tế lớn hơn so với số lượng của sổ kế toán, v.v ...

Xuất hàng dự trữ quốc gia bao gồm các trường hợp: Xuất bán hàng dự trữ quốc gia thuộc chỉ tiêu kế hoạch luân phiên đổi hàng; Xuất điều chuyển nội bộ hàng dự trữ quốc gia; Xuất hàng dự trữ quốc gia khi thanh lý, tiêu hủy, loại khỏi danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia, v.v ...

Khi kiểm kê hàng dự trữ quốc gia (kiểm kê định kỳ theo quy định hoặc kiểm kê đột xuất theo yêu cầu của người có thẩm quyền), có số lượng hàng dự trữ quốc gia thực tế lớn hơn so với sổ kế toán, đơn vị dự trữ quốc gia lập biên bản kiểm kê và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định nhập tăng số lượng hàng dự trữ quốc gia do chênh lệch giữa thực tế và sổ kế toán.

Biên bản kiểm kê ghi rõ danh mục, chủng loại, số lượng hàng dôi thừa; thời điểm kiểm kê; có đầy đủ chữ ký các thành phần tham gia kiểm kê, được đóng dấu của đơn vị dự trữ quốc gia có hàng kiểm kê.

Việc xuất hàng dự trữ quốc gia khi thanh lý, tiêu hủy, loại khỏi danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định tại các Điều 14, 15, 16 Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia. Các đơn vị dự trữ quốc gia có hàng dự trữ quốc gia bị hư hỏng, giảm phẩm chất so với quy chuẩn kỹ thuật hiện hành khi thanh lý, tiêu hủy, loại khỏi danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia phải lập hồ sơ đề nghị gửi bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Hồ sơ đề nghị thanh lý, tiêu hủy, loại khỏi danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia, gồm: Văn bản đề nghị thanh lý, tiêu hủy, loại khỏi danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia; trong đó nêu rõ: danh mục, chủng loại, số lượng, chất lượng, đơn giá, tổng giá trị, thời gian nhập kho, thời gian dự kiến tổ chức hoạt động thanh lý, tiêu hủy, xuất loại khỏi danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia; Đối với hàng dự trữ quốc gia tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì phải gửi kèm ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan.

Quy định về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao

Đây là nội dung được nêu rõ tại Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT (Thông tư 35) của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Thông tư 35 có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 8 năm 2015 và thay thế Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 và Thông tư số 48/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011.

Theo đó, cơ quan đề nghị thành lập, mở rộng khu kinh tế có trách nhiệm đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường của khu kinh tế. Các nội dung và kết quả đánh giá phải được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ thành lập, mở rộng khu kinh tế. Thông tư xũng đã quy định rõ về nội dung đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường. Công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu kinh tế bao gồm: Hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn; Hệ thống thu gom và thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải; Mạng lưới các điểm quan trắc chất lượng môi trường xung quanh; Quy hoạch diện tích cây xanh; Các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.

Theo Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; Các dự án trong khu công nghiệp có khoảng cách an toàn môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật để giảm thiểu khả năng ảnh hưởng đến các cơ sở khác trong khu công nghiệp và các đối tượng kinh tế - xã hội xung quanh khu công nghiệp; Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được bố trí phù hợp với các loại hình đầu tư trong khu công nghiệp, bảo đảm giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường xung quanh; Diện tích cây xanh trong phạm vi khu công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích toàn bộ khu công nghiệp.

Về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp bao gồm: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung (gồm hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước thải), khu vực lưu giữ chất thải rắn (nếu có), hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp phải được thiết kế đồng bộ và tuân theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng và quy định, quy chuẩn kỹ thuật môi trường có liên quan.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp phát sinh khí thải, tiếng ồn phải đầu tư, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, giảm thiểu tiếng ồn bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Phải phân loại chất thải rắn thông thường, chất thải y tế và chất thải nguy hại; tự xử lý hoặc ký hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Bùn cặn của nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước của khu công nghiệp và các cơ sở trong khu công nghiệp phải được thu gom, vận chuyển và xử lý hoặc tái sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý bùn thải.

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp đối với Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp; chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; chủ dự án và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp.

Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, và sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Thông tư về thuế

Ngày 22/6/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 96/2015/TT-BTC (Thông tư 96) hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Thông tư về thuế. Thông tư 96 có hiệu lực từ ngày 06/8/2015 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2015 trở đi.

Theo đó, Thông tư 96 sửa đổi, bổ sung một số quy định về kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước ngoài; Quy định rõ hơn về chuyển lỗ năm tiếp theo giữa các loại thu nhập tính thuế; Sửa đổi quy định về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ; Quy định mới về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; Bỏ nhiều quy định về thu nhập khác và bổ sung hướng dẫn tại thu nhập khác; Bổ sung hướng dẫn về chuyển lỗ khi chia, tách doanh nghiệp; Quy định mới về xác định giá mua của phần vốn chuyển nhượng; Sửa đổi, bổ sung điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế.

Đối với các doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác năm dương lịch, Việc chuyển tiếp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thời gian miễn thuế, giảm thuế, thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi) theo quy định tại Thông tư này được tính cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2015.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung khác thực hiện từ ngày 01/01/2015. Khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài phát sinh từ kỳ tính thuế năm 2014 trở về trước doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định tại Thông tư về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm tương ứng; từ năm 2015 chuyển khoản thu nhập trên về nước thì không phải thực hiện kê khai, nộp thuế đối với khoản thu nhập này. Khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài từ kỳ tính thuế năm 2015 thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Từ ngày 11/8/2015, Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (Thông tư 11) của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 26/6/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Thông tư 11 nêu rõ, hành vi bị xem xét đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP sửa đổi và hành vi đó xảy ra trên mạng Internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin ở Việt Nam thì cũng bị kết luận là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các điều 10, 11 và 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Chủ sở hữu tên miền quốc gia thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi nêu trên cũng bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và bị xử phạt theo quy định tại các điều 10, 11 và 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Cũng theo Thông tư 11, đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ được hiểu là đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết, ghi nhớ, được dùng để phân biệt tổng thể kiểu dáng công nghiệp này với kiểu dáng công nghiệp khác. Tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản có thể là hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc được xác định trên cơ sở bộ ảnh chụp/bản vẽ kèm theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Thông tư 11cũng quy định việc xem xét, xử lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Theo đó, trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đã có đầy đủ chứng cứ về hàng hóa giả mạo sở hữu công nghiệp, hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền phối hợp với chủ thể quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 25 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm chưa có đủ chứng cứ về hàng hóa giả mạo sở hữu công nghiệp, hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp; đơn yêu cầu xử lý vi phạm đối với sáng chế, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh; đơn yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu các bên cung cấp thông tin, chứng cứ, giải trình trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được ấn định trong thông báo. Trường hợp có lý do chính đáng thì có thể đề nghị bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền về việc gia hạn thời gian trả lời nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày được ấn định trong thông báo ban đầu theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 25 và Điểm a Khoản 3 Điều 25 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm được nộp cho nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với cùng một hành vi vi phạm thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên sẽ có thẩm quyền giải quyết. Chủ thể quyền có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền khác về việc đơn đã được thụ lý giải quyết.