Bộ công thương quy định danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu

In trang

Để hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ, ngày 27 tháng 01 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 05/2014/TT-BCT quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu.

 

m24fab271-a480-4917-b2f6-ee14255c1efc

Thông tư này thay thế Thông tư số 05/2013/TT-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2013 của Bộ Công Thương và thay thế các quy định liên quan đến tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu tại Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 06 tháng 4 năm 2006 của Bộ Thương mại.

Thông tư quy định cụ thể Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu; Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu; các Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện (gồm hàng thực phẩm đông lạnh, hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt và hàng đã qua sử dụng thuộc diện cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu).

Đối với hàng thực phẩm đông lạnh, doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải được thành lập tối thiểu là hai năm, đã có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hàng hóa; có số tiền ký quỹ, đặt cọc là 10 tỷ đồng Việt Nam nộp tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh hoặc Chi nhánh Ngân hàng thương mại và có kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh. Đối với hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc hàng đã qua sử dụng, doanh nghiệp phải được thành lập tối thiểu là hai năm, đã có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hàng hóa; có số tiền ký quỹ, đặt cọc là 7 tỷ đồng Việt Nam nộp tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh hoặc Chi nhánh Ngân hàng thương mại. Thông tư cũng quy định cụ thể hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất cho doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên. Các doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BCT trước đây được tiếp tục kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BCT trong vòng 90 ngày kể từ khi Thông tư này có hiệu lực.

Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn một số quy định khác khi doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa như quy định đối với vận đơn đường biển, việc giám sát hàng hóa, việc tổ chức quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ, đặt cọc của doanh nghiệp, quy định các trường hợp doanh nghiệp vi phạm và bị thu hồi Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Đối với hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Giấy phép, theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, khi tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, thương nhân phải có Giấy phép của Bộ Công Thương. Để hướng dẫn thực hiện quy định này, tại Thông tư số 05/2014/TT-BCT đã quy định hồ sơ cấp Giấy phép đối với từng trường hợp cụ thể, trình tự, thủ tục, thời hạn cấp Giấy phép cho thương nhân.

Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2014.